4 loại cây mọc dại, dễ kiếm nhưng là kháng sinh tự nhiên, người Việt chưa biết để dùng

Thời tiết chuyển mùa khiến cho nhiều người gặp các vấn đề về hô hấp, xương khớp và bệnh tiêu hoá. Thế nhưng rất ít người biết rằng có một số loại cỏ cây xung quanh chúng ta có thể giúp phòng ngừa bệnh.

Theo BSCKII.Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cớ sở 3) khi thời tiết chuyển mùa, sức đề kháng suy giảm khiến chúng ta dễ nhiễm các bệnh liên quan tới vi khuẩn. Do vậy, khi mắc bệnh người dân cần phải dùng đến các loại kháng sinh để đẩy lùi bệnh.

Ngoài các loại thuốc kháng sinh của Tây y, Đông y cũng có nhiều loại thảo dược có tác dụng kháng sinh và đem lại hiệu quả rất tốt trong điều trị.

Cây cỏ hôi (cây cứt lợn)

Theo bác sĩ Vũ, cây cỏ hôi hay còn gọi là cây cứt lợn, cây bọ xít. Loài cây này có mùi rất hắc khi vò ra nhưng lại có mùi thơm khi nấu. Cây mọc hoang khắp nơi, người dân từ lâu đã sử dụng loài cây này như một vị thuốc quý để chữa rất nhiều loại bệnh.

Theo Đông y, cây cỏ hôi có vị cay, hơi đắng, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng. Thường được dùng chữa viêm họng do lạnh, chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh, viêm đường tiết niệu…

Nghiên cứu chỉ ra rằng cây cỏ hôi chứa chất kháng khuẩn chống viêm, chống phù nề, ngoài ra cây chứa tinh dầu nên có tác dụng xông trong các trường hợp viêm mũi xoang.

4 loại cây mọc dại, dễ kiếm nhưng là kháng sinh tự nhiên, người Việt chưa biết để dùng - Ảnh 1.

Cây cỏ hôi (ảnh ST).

Mọi người có thể dùng cây cỏ hôi 100g tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, đem nhỏ vào lỗ mũi, mỗi lần 2 – 3 giọt, ngày dùng 2 lần để điều trị viêm mũi, viêm xoang.

Chữa viêm họng do lạnh: Cỏ hôi 20g, kim ngân hoa 20g, lá rẻ quạt 6g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần. Dùng trong 3-5 ngày.

Bèo tây

Cây bèo tây là loại cây mọc hoang dại ở các ao hồ. Bèo tây thường được dùng làm thức ăn cho gia súc. Bác sĩ Vũ cho biết hoa bèo tây có các dược tính như kháng sinh tự nhiên.

Khoa học hiện đại đã chiết xuất thô bèo tây và nhận thấy có khả năng chống lại vi khuẩn Gram dương và Gram âm của loại cây này. Hoạt tính này có tác dụng như kháng sinh tetracycline.

4 loại cây mọc dại, dễ kiếm nhưng là kháng sinh tự nhiên, người Việt chưa biết để dùng - Ảnh 2.

Bèo tây.

Theo y học cổ truyền, bèo tây hơi ngọt, tính mát, có tác dụng an thần, lợi tiểu, giải độc, trừ phong nhiệt.

Bác sĩ Vũ cho biết, theo kinh nghiệm dân gian, khi ho hen, ho đàm hoặc ho gió, chưng một nắm hoa với đường phèn uống, kết hợp thêm hoa hoè, hoa khế uống có thể giúp hết ho hen.

Hoa gạo

Cây gạo là một loại cây khá quen thuộc với người dân Việt. Loại cây thân gỗ có hoa đỏ rực, không chỉ đẹp mà còn là thuốc kháng sinh tự nhiên.

Bác sĩ cho hay, kết quả nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng nước sắc hoa gạo có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ mạnh.

4 loại cây mọc dại, dễ kiếm nhưng là kháng sinh tự nhiên, người Việt chưa biết để dùng - Ảnh 3.

Hoa gạo thường được dùng điều trị bệnh lỵ vi khuẩn.

Hoa gạo thường được dùng điều trị bệnh lỵ vi khuẩn, viêm dạ dày và ruột cấp tính, tiêu chảy, đại tiện ra máu: Hoa gạo 60g, nấu lấy nước, pha mật ong hoặc đường phèn, đường trắng vào, uống hết trong ngày.

Trẻ nhỏ nóng sống có thể dùng hoa gạo 6g, pha với nước sôi, cho thêm chút đường trắng vào uống thay nước, uống hết trong ngày.

Hoa kinh giới

Theo bác sĩ Vũ, cây kinh giới có tác dụng như thuốc kháng sinh mạnh, có khả năng kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Kinh giới được sử dụng để điều trị viêm xoang mạn tính, nhiễm trùng miệng, răng, lợi, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm nấm và các vấn đề về tiêu hóa.

4 loại cây mọc dại, dễ kiếm nhưng là kháng sinh tự nhiên, người Việt chưa biết để dùng - Ảnh 4.

Kinh giới được sử dụng để điều trị viêm xoang mạn tính.

Một số bài thuốc từ hoa kinh giới:

– Chữa cảm lạnh phát sốt, nhức đầu, đau mình ê ẩm không có mồ hôi: Kinh giới (hoa, cành, lá) 20g. Sắc lấy nước uống, cho bệnh nhân uống 1 lần lúc thuốc còn nóng, sau đó cho thêm: lá bưởi 8g, cúc tần 6g, ổi 4g và 3 bát nước đun sôi để cho bệnh nhân xông. Sau khi xông, đắp chăn kín cho cơ thể ra mồ hôi.

– Chữa cảm, đau nhức các đầu xương: Kinh giới tươi (cành non, lá) 50g. Gừng sống 10g, hai thứ rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt cho bệnh nhân uống, ngày uống 2 lần, bã thuốc xoa dọc xương sống từ trên xuống.

– Chữa viêm họng, khản tiếng: Kinh giới tuệ sống 12g, nhân hạt gai dầu 12g, tán nhỏ rây bột mịn trộn với mật làm viên, ngậm làm nhiều lần trong ngày.

theo Phụ nữ số