Anh nông dân trồng cây không lá “quý như vàng”, nhẹ nhàng lãi 500 triệu đồng

Từng là hướng dẫn viên du lịch nhưng anh Hùng quyết định bỏ phố về quê trồng cây quen thuộc “quý như vàng”, lãi đều tay 500 triệu đồng/năm.


Vốn là hướng dẫn viên du lịch nhưng anh Phan Văn Hùng (sinh năm 1985, trú huyện Hoà Vang, Tp.Đà Nẵng) quyết tâm từ bỏ công việc về quê khởi nghiệp với việc trồng nấm. Với quyết tâm làm giàu tại quê hương, hiện trang trại nấm của anh Hùng rộng 700m2 trồng đủ các loại nấm khác nhau. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ tất cả các chi phí, trại nấm của anh Hùng thu lãi từ 400 – 500 triệu đồng.

Anh nông dân làm giàu nhanh chóng nhờ trồng nấm theo hướng hữu cơ. Ảnh: Báo Nông nghiệp.

Tiết lộ bí quyết khởi nghiệp với nghề trồng nấm, anh Hùng chia sẻ với báo Nông nghiệp , vào năm 2017, tình cờ biết đến cách trồng nấm qua mạng xã hội, anh Hùng bắt đầu mày mò nghiên cứu và bắt tay vào xây dựng trại nấm. Qua một thời gian vừa trồng vừa tích lũy thêm kinh nghiệm, mô hình dần mang lại hiệu quả tốt, anh từng bước mở rộng quy mô sản xuất. Hiện tại, cơ sở sản xuất nấm của anh Hùng rộng 700m2, trồng 3 loại nấm chủ đạo là: linh chi, đông trùng hạ thảo và nấm sò.

Nói thêm về kỹ thuật trồng nấm thành công, anh Hùng chia sẻ, tùy theo từng loại nấm sẽ có kỹ thuật trồng khác nhau, trong đó, để nấm phát triển tốt thì phôi nấm có vai trò rất quan trọng. Đối với nấm sò, nguyên liệu chính là mùn cưa cao su được nhập từ Gia Lai, sau đó ủ ít nhất một tháng để hoai và loại bỏ hết chất độc rồi trộn đều với cám bắp, cám gạo theo tỉ lệ 45kg cám bắp, 45kg cám gạo, 1 tấn mùn cưa. Hỗn hợp nguyên liệu này sẽ được chia ra đóng vào bịch phôi tiêu chuẩn 1,2kg/bịch.

Để nấm nhanh phát triển, anh Hùng nhấn mạnh: “Đối với nấm linh chi, đây là loài nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao nhưng khó trồng. Tỉ lệ nguyên liệu là 70kg cám bắp, 70kg cám gạo, 1 tấn mùn cưa. Trong nhà trồng nấm phải giữ nhiệt độ ổn định từ 28 – 30 độ C, độ ẩm 85 – 90% và ánh sáng khuếch tán đều. Thời gian trồng nấm thay đổi tùy theo loại, đối với nấm sò khoảng 30 ngày là có thể thu hoạch, còn nấm linh chi và đông trùng hạ thảo phải mất đến 3 tháng (không tính thời gian đóng phôi và cấy giống vào phôi)”.

Nấm là một loại cây trồng ưa sạch theo đó việc chăm sóc nấm phải rất kỹ lưỡng, cần chú ý đến yếu tố dinh dưỡng, độ ẩm trong phôi cho đến khâu ươm trồng. Ví dụ, khi đổ mùn cưa vào bao, nếu không kiểm tra kỹ lưỡng sẽ dễ bị mốc. Đồng thời, luôn phải đảm bảo được nhiệt độ, ánh sáng phù hợp trong trại nhằm giảm nguy cơ bệnh hại. Đặc biệt, giống nấm cần được kiểm tra định kỳ để đảm bảo không bị thoái hóa, ảnh hưởng đến năng suất.

Sau một thời gian chăm chỉ và không ngại đầu tư cho trang trại nấm, đến nay là ngày anh Hùng “hái” thành quả. Các sản phẩm nấm của anh Hùng cung cấp ra thị trường Đà Nẵng với giá 50.000 – 100.000 đồng/kg đối với nấm sò, 1 – 1,2 triệu đồng/kg đối với nấm linh chi, sản xuất ra bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Qua tính toán, sau khi trừ tất cả các chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 400 – 500 triệu đồng và tạo việc làm cho 2 lao động chính và 2 lao động thời vụ tại địa phương với mức tiền công 200.0000 đồng/ngày.

Ngoài trồng nấm sò và linh chi, anh Hùng đã nghiên cứu phương pháp trồng nấm đông trùng hạ thảo để tăng cao nguồn thu nhập cho gia đình. Sau khi trồng thử nghiệm thành công được 2kg loại nấm này, anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 120 triệu đồng để xây dựng hệ thống phòng nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo trên diện tích 9m2.

Theo anh Hùng, đây là loại nấm có giá trị kinh tế cao, giá dao động từ 3 – 6 triệu/kg tuỳ vào chất lượng và thị trường cũng rất chuộng nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Không chỉ nấm đông trùng hạ thảo mà hiện nay, nhu cầu sử dụng nấm của người tiêu dùng rất lớn, các khu vực sản xuất nấm ở Đà Nẵng không đủ cung cấp cho thị trường.

Thời gian qua có nhiều nông dân thành công nhờ trồng nấm và có doanh thu cao. Tương tự anh Hùng, anh Bùi Minh Thắng 32 tuổi ở Tp.HCM khởi nghiệp trồng nấm đã thành công đem lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/tháng.

Theo Sức khỏe & Đời sống, trên thế giới có khoảng 140.000 loài nấm trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học mới chỉ biết khoảng 10% và chỉ có khoảng 100 loài đang được nghiên cứu về những lợi ích sức khỏe tiềm năng và các ứng dụng y học của chúng.

Đây là một loại thực phẩm không chỉ thơm ngon mà tốt cho sức khỏe. Khi nói đến những lợi ích sức khỏe của nấm, các nhà dinh dưỡng thường đề cập đến các loại nấm làm thức ăn thông dụng hằng ngày như: nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, nấm đông cô,… hơn là các loại nấm dược liệu quý hiếm và ít thông dụng.

Thông thường, nấm là một loại thực phẩm cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng và có hàm lượng calo thấp. Nấm giàu chất chống oxy hóa và chất xơ. Đặc biệt là một nguồn nhiều vitamin B, selen, kẽm và đồng – các chất quan trọng trong việc sản xuất năng lượng trong tế bào, cần thiết cho một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ. Nấm cũng giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa, hỗ trợ giảm cân và cải thiện sức khỏe nhận thức…

Theo Người đưa tin Copy link

Link bài gốc Lấy link https://www.nguoiduatin.vn/anh-nong-dan-trong-cay-khong-la-quy-nhu-vang-nhe-nhang-lai-500-trieu-dong-204241024202838994.htm