Một loại thực phẩm giàu canxi, được ví là “vàng đen” của Trung Quốc: Việt Nam không thiếu, ra chợ là có

Chỉ cần bỏ ra một chút thời gian, bạn đã có thể đổi món cho gia đình với loại nguyên liệu bổ dưỡng này.

Mộc nhĩ (hay còn gọi là nấm mèo) là một loại nấm ăn được thường mọc trên thân cây và sống bằng cách hút chất dinh dưỡng từ cây đó. Nấm này thường có màu nâu đậm và hình dạng nhăn nheo giống như tai người, vì thế nó được đặt tên là mộc nhĩ. Loại nấm này phổ biến và có thể tìm thấy khắp nơi trên thế giới.

Đây là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, không chỉ là nguyên liệu chế biến món ăn mà còn được sử dụng trong y học cổ truyền. Trong 100g mộc nhĩ có chứa đến 115mg canxi cùng với hàm lượng sắt đáng kể, ngoài ra còn có protein, lipit, glucit, photpho và các vitamin B1, B2, B3… Đặc biệt, với hàm lượng sắt và canxi cao, mộc nhĩ trở thành một lựa chọn dinh dưỡng tốt, đặc biệt phù hợp vào mùa thu.

Công dụng của mộc nhĩ có thể kể đến như bổ phổi, hỗ trợ điều trị các vấn đề về xuất huyết, táo bón, viêm dạ dày mạn tính, ho do phế táo và thiếu máu. Theo Y học cổ truyền, mộc nhĩ đen vị ngọt, tính bình, có công dụng lương huyết, chỉ huyết, ích khí dưỡng huyết, nhuận phế ích vị, nhuận táo lợi tràng…

Tại Trung Quốc, ngoài làm nguyên liệu thực phẩm, mộc nhĩ còn là một vị thuốc quý. Nó thậm chí còn được ví như “vàng đen” vì mang lại giá trị kinh tế cao.

Thông thường, mộc nhĩ là một nguyên liệu được thêm vào các món ăn để tăng độ giòn. Nếu đã chán cách chế biến kiểu cũ, bạn có thể tham khảo một số công thức dưới đây để đổi bữa cho gia đình.

Mộc nhĩ xào trứng

Nguyên liệu: mộc nhĩ, trứng, cà rốt, hành lá, tỏi, gia vị

Mộc nhĩ dùng loại tai nhỏ, trước tiên ngâm với nước lạnh trong 1 tiếng đồng hồ cho mộc nhĩ nở ra, sau đó rửa sạch nhiều lần với nước, rửa sạch tạp chất trên bề mặt, sau đó xé nhỏ.

Tiếp theo là đập trứng gà vào bát, cho muối ăn vào để tăng thêm hương vị, sau đó khuấy đều cho lòng đỏ và lòng trắng hòa quyện vào nhau.

Cho nước vào nồi, đun sôi trên lửa lớn, khi nước sôi cho một nắm muối nhỏ, sau đó cho mộc nhĩ đen và cà rốt vào chần, sau 1 phút thì vớt ra để ráo nước.

Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, đun nóng dầu thì cho trứng vào chiên. Chiên đến khi trứng vàng đều hai mặt thì dùng muôi tách trứng thành từng miếng nhỏ vừa ăn.

Sau khi cho trứng ra khỏi chảo thì cho tiếp dầu ăn vào, cho tỏi băm và gừng băm vào phi thơm. Tiếp theo cho mộc nhĩ và cà rốt vào đảo đều tay.

Cuối cùng cho trứng và hành lá vào, đảo nhanh tay trên lửa lớn cho các nguyên liệu và gia vị hòa quyện vào nhau. Hành lá rất dễ chín nên không cần xào quá lâu, chỉ cần đảo cho hành vừa chín tới là có thể tắt bếp và cho ra đĩa, như vậy là đã hoàn thành món ăn ngon miệng đưa cơm.

Vị giòn sần sật của mộc nhĩ kết hợp với vị béo ngậy của trứng, thêm chút gia vị đậm đà tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn.

Lưu ý:

  • Khi ngâm mộc nhĩ, chúng ta lưu ý không nên ngâm quá nhiều một lúc, chỉ nên ngâm lượng vừa đủ ăn. Mộc nhĩ đen khô sau khi ngâm nở sẽ tăng trọng lượng lên khoảng 10 lần.
  • Mộc nhĩ và cà rốt sau khi chần sơ qua nước sôi thì cơ bản đã chín, vì vậy khi xào cũng không cần xào quá lâu, chỉ cần đảo đều cho ngấm gia vị là được.
  • Sau khi ngâm, rửa sạch mộc nhĩ dưới vòi nước để loại bỏ bụi bẩn và cát còn sót lại. Phần chân của mộc nhĩ thường cứng và không ngon, nên cắt bỏ trước khi chế biến.
  • Không nên nấu mộc nhĩ quá lâu vì chúng sẽ mất đi độ giòn tự nhiên. Thông thường, chỉ cần nấu sơ qua mộc nhĩ trong 1-2 phút.
  • Mộc nhĩ không có hương vị đặc trưng nên thường hấp thụ gia vị từ các nguyên liệu khác trong món ăn. Điều chỉnh gia vị cẩn thận để món ăn có hương vị hài hòa.
  • Mộc nhĩ có chứa nhiều chất xơ và dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, nhưng cũng nên ăn một lượng vừa phải để tránh gây khó tiêu.
  • Nếu bạn không sử dụng hết mộc nhĩ sau khi ngâm, hãy bảo quản chúng trong tủ lạnh và sử dụng trong vòng 2-3 ngày.

Tổng hợp

Theo Phụ nữ số