Du khách đến An Giang không khỏi ngạc nhiên trước món ăn có cái tên lạ hoắc bò xào kiến vàng với lá Chha ca dao. Nhưng đằng sau cái tên ‘sai chính tả’ ấy là hương vị độc đáo khó quên.
Kiến là một loại côn trùng nhỏ bé nhưng lại được ưa chuộng để chế biến thành các món đặc sản tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. Nổi bật như nộm kiến chua tại Mai Châu (Hòa Bình), hay món thịt bò kiến đốt ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), và muối kiến vàng ở Gia Lai. Đặc biệt tại Tri Tôn (An Giang), kiến được sử dụng làm nguyên liệu chính cho món bò xào kiến vàng với lá chha ca dao.
Món ăn này được tạo nên từ ba thành phần chủ yếu: thịt bò, kiến vàng, và lá chha ca dao.
Chị Nguyễn Phùng Trúc Giang, chủ một quán ăn đồng quê tại Soài Check, Tri Tôn, An Giang, cho biết rằng kiến vàng thường được thu gom từ cộng đồng người Khmer. Sau khi thu mua, kiến được làm sạch, loại bỏ các lá và vỏ cây, sau đó được đóng gói bảo quản bằng phương pháp hút chân không để sử dụng quanh năm. Trứng kiến trước khi chế biến cần được rửa sạch với nước muối loãng, và các bước chế biến được thực hiện một cách tỉ mỉ và cẩn thận.
Món ăn này được tạo nên từ ba thành phần chủ yếu: thịt bò, kiến vàng, và lá chha ca dao
Chị Giang chia sẻ: “Tại An Giang, kiến vàng được nhiều nhà hàng săn đón để làm các món như lẩu kiến vàng, bò xào kiến vàng lá chha ca dao, hoặc vịt xiêm nấu kiến vàng. Người dân thường vào rừng để bắt kiến rồi bán cho những người buôn hoặc nhà hàng. Hiện tại, giá kiến vàng đang giao động trong khoảng từ 350.000 đến 450.000 đồng mỗi kilogram, tùy thuộc vào từng thời điểm và điều kiện thị trường”.
Trong món bò xào kiến vàng, phần thịt bò thường được lựa chọn là bắp hoa hoặc thăn mềm. Thịt bò được sử dụng luôn tươi ngon, chế biến ngay trong ngày để đảm bảo giữ nguyên hương vị tươi mới. Một điểm đặc biệt làm nên sự hấp dẫn cho món ăn này chính là lá chha ca dao – loại nguyên liệu quen thuộc với người dân địa phương nhưng lại thu hút sự hiếu kỳ của thực khách từ xa. Nhiều người lần đầu thử có thể ngỡ ngàng khi thấy tên gọi này và cảm thấy như thực đơn của quán có phần “nhầm lẫn”.
Hiện tại, giá kiến vàng đang giao động trong khoảng từ 350.000 đến 450.000 đồng mỗi kilogram
Chia sẻ về lá chha ca dao, anh Dương Việt Anh, một người hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở An Giang, cho biết: “Chha ca dao là tên mà cộng đồng người Khmer dùng để gọi một loại thực vật thường được trồng trong vườn hoặc trên các rẫy. Loại lá này có vị rất đặc trưng, kết hợp giữa hương vị của húng quế và sả, với mùi thơm dễ chịu, tạo nên sự độc đáo cho các món ăn”.
Trong quá trình chế biến, các đầu bếp bắt đầu bằng cách sử dụng chảo trên lửa lớn để phi thơm tỏi trong dầu ăn. Tiếp theo, họ cho thịt bò vào xào cùng với ổ kiến vàng cho đến khi vừa chín tới, sau đó nêm nếm gia vị vừa miệng. Cuối cùng, lá chha ca dao và ớt được thêm vào để hoàn thiện món ăn. Khi món ăn được trình bày, miếng thịt bò trở nên mềm mại và thấm đẫm hương vị, hòa quyện cùng với độ chua nhẹ của kiến vàng và mùi thơm đặc trưng từ lá chha ca dao.
Khi món ăn được trình bày, miếng thịt bò trở nên mềm mại và thấm đẫm hương vị, hòa quyện cùng với độ chua nhẹ của kiến vàng và mùi thơm đặc trưng từ lá chha ca dao
Ngoài bò xào kiến vàng, món lẩu kiến vàng cũng là một đặc sản nổi bật tại An Giang, thu hút không ít thực khách. Nồi lẩu thường bao gồm kiến vàng cùng với các nguyên liệu như thịt gà, bò hoặc vịt, kèm theo mắm bò hóc – một loại gia vị truyền thống của người Khmer, cùng lá giang và lá mắc mật, tạo nên một hương vị độc đáo và hấp dẫn cho món ăn.