Dựa vào các đặc điểm ngoại hình, thói quen sinh hoạt… , BS Phan Xuân Trung đã đưa ra một số nhận định về sức khoẻ của ông Minh Tuệ.
Thời gian vừa qua, hình ảnh về một người thường được biết đến với tên gọi “sư thầy Thích Minh Tuệ” đã thu hút sự chú ý của cộng đồng. Trên khắp các trang mạng xã hội xuất hiện không ít thông tin, hình ảnh về ông. Dù hành trình tu tập từ Nam ra Bắc của ông đã kéo dài nhiều năm nhưng thời gian gần đây càng được chú ý khi “sư thầy” đi tới đâu cũng đều có rất đông người dân kéo theo.
BS Phan Xuân Trung – Trung tâm y khoa Hoà Hảo, TP.HCM dựa trên những nhận định về thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống hàng ngày cũng như ngoại hình của ông Minh Tuệ đã đưa ra một số chẩn đoán về tình hình sức khoẻ của ông sau 6 năm tự tu theo lối khổ hạnh.
Với lối sống tối giản, thầy Thích Minh Tuệ chỉ ăn một bữa trưa, ăn đồ chay, ai cho gì ăn nấy, không chọn lựa và không ăn quá no. Thức ăn Việt Nam sẵn có và dễ cho là bánh mì, khoai, bắp, trái cây, bánh ngọt… Không có một nguồn cung cấp thực phẩm cố định nào. Không nêm nếm muối, đường, bột ngọt. Chính bởi vậy, thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn mỗi ngày của ông Minh Tuệ sẽ bao gồm tinh bột và chất xơ là chính, một ít đạm thực vật, ít hoặc không có chất béo.
Tinh bột tạo năng lượng cho hoạt động đi bộ. Ông đã đi bộ ròng rã suốt 6 năm qua với tốc độ đi rất nhanh, năng lượng từ thức ăn tiêu hao cho cơ chân là chính. Thức ăn không dư thừa để tạo mỡ dưới da hay mỡ nội tạng nên thân thể gầy gò, da khô, cơ bắp nhỏ nhưng dẻo dai. Đồng thời, thức ăn sẽ được chuyển hóa hầu hết sang năng lượng và không tạo ra chất chuyển hóa trung gian như đối với protein và lipid, từ đó sẽ tránh được các bệnh về rối loạn chuyển hóa.
Ít đạm sẽ tạo ít creatinin, ít acid uric, tạo ra ít chất thải. Hệ tiêu hóa ít làm việc nên ít xảy ra trào ngược, rối loạn tiêu hóa, gan mật. Lượng đạm trong cơm gạo đủ để giúp tái tạo tế bào và tạo sinh chất cho cơ thể.
Lượng nước trong ngày uống theo nhu cầu. Dù đi dưới nắng nóng nhưng có lớp áo dày che phủ nên lượng nước mất qua da không nhiều, thân nhiệt ổn định. Phần thân thể “chịu trận” nhiều nhất là da đầu và da bàn chân. Như ta thấy, da bàn chân đã chai cứng và hầu như mất cảm giác vì tế bào sừng ở bàn chân đã chết, mất thần kinh cảm giác. Cơ thể có khả năng thích nghi dần với môi trường khắc nghiệt.
Hoạt động đi bộ giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, cơ bắp co bóp, trợ lực cho cơ tim, do vậy nhịp tim sẽ rất chậm. Đồng thời, việc đi dưới nắng giúp tăng vitamin D, chống loãng xương, nhiễm trùng.
Hàm răng cửa dưới của ông Minh Tuệ bị hư, hàm răng cửa trên mọc dài do không bị hàm dưới cản trở.
”Sư Thích Minh Tuệ” với đôi chân trần, đầu trần đi khất thực dọc chiều dài đất nước và tự tu theo lối khổ hạnh, xưng “con” trong giao tiếp, tấm y chắp nối từ vải vụn nhặt được, cái lõi nồi cơm điện thay cho bình bát khất thực, không nhận cúng dường bất cứ thứ gì ngoài phần thức ăn cho bữa duy nhất trong ngày. Ông sống đời không nhà cửa, tối ngủ ở gốc cây, nghĩa địa, nhà hoang tập trung thân tâm cho việc tìm kiếm sự chứng đạo theo đường lối của Đức Phật.
Không thuyết pháp, không thu đồ đệ, không nhận mình là thầy, tu sĩ này nhiều lần khẳng định, ông chỉ là một công dân Việt Nam đang “tập học” theo lời Phật dạy. Lời này không hẳn là khiêm nhường mà là sự thành thật.
Được biết, ông Minh Tuệ đã thực hành hạnh đầu đà được 6 năm và có 4 lần đi bộ từ Nam ra Bắc rồi quay lại.
Sư Thầy Thích Minh Tuệ: 13 Pháp tu khổ hạnh đầu đà
Gọi là “Sư Thầy” thường được các phật tử hoặc người dân hay gọi các nhà sư tu tại chùa. Còn như Thầy Thích Minh Tuệ cũng đã chia sẻ rất khiêm tốn: Ông chỉ là 1 công dân Việt Nam bình thường, học tập theo lời dạy của Đức Phật và xưng là “con” với tất cả mọi người. Người dân gọi là sư thầy vì lòng kính trọng với ông.
1- Tóm tắt tiểu sử của Thầy Thích Minh Tuệ:
– Thầy tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981, sinh ra trong một gia đình 4 anh chị em tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (thầy là con thứ 2 trong gia đình). Lúc nhỏ – thời học sinh, thầy học rất giỏi.
– Học xong phổ thông, Thầy Minh Tuệ đi bộ đội và hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về nhà. Sau đó, Thầy theo học tại trường nông nghiệp Tây Nguyên “tỉnh Gia Lai”.
– Ra trường, Thầy làm đo đạc địa chính cho một công ty. Trong thời gian làm việc, Thầy còn tìm hiểu về kinh sách Phật pháp.
– Cuộc sống và công việc của thầy khá ổn định, nhưng một ngày Thầy quyết định từ bỏ tất cả để tìm kiếm con đường tu hành.
– Ban đầu Thầy tu tập tại một ngôi chùa ở Đắk Lắk. Tuy nhiên, sau vài tháng ở đó, Thầy nhận ra rằng môi trường không phù hợp với tu hành của mình và đã phát nguyện theo đuổi phương pháp tu hạnh khất thực.
2 – Vì sao Thầy Thích Minh Tuệ được mọi người cung kính:
– Thầy Minh Tuệ (tu 13 hạnh Đầu Đà khổ hạnh). Lối tu rất cực khổ, gian nan mà ít người (trong thời hiện đại bây giờ làm được).
– Hạnh đầu đà (khổ hạnh) là một thực hành Phật giáo: mặc áo vá, ngày ăn một bữa, ngủ ngồi, tối ngủ dưới gốc cây, hoặc nơi nhà hoang, nghĩa địa…Cách tu của Thầy gợi cho chúng ta thấy gần hơn với hình ảnh của Đức Phật và tăng đoàn trong quá khứ.
– Dưới cái nắng nóng gay gắt, hình ảnh thầy đi chân trần trên đường nhựa quốc lộ khiến nhiều người cảm động và xót xa…
– Đặc biệt là thầy không nhận tiền cúng dường, mà chỉ nhận đủ 1 bữa chay vào buổi sáng…
– ở Thầy toát lên một sự chân chất, thật thà, không hoa mỹ.. Thầy không nói điều gì cao siêu huyền bí. Nếu có ai hỏi về phương pháp tu hành thầy luôn nói là “giữ giới”, phát nguyện tu theo hạnh nguyện của bậc chánh đẳng, chánh giác, cố gắng làm việc tốt.. Thầy luôn nói giữ giới là cốt lõi của tu hành.
– Trong suốt hơn 6 năm, thầy Thích Minh Tuệ đã đi bộ hàng ngàn cây số khắp mọi miền đất nước. Hành trình ấy đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người Việt. Đó không chỉ là việc tu tập cá nhân mà còn là sứ mạng lan tỏa Phật pháp đến với cộng đồng, lan tỏa tinh thần yêu thương và giác ngộ đến với mọi người. Những câu chuyện về sự kiên trì, ý chí và lòng nhân ái của thầy đã truyền cảm hứng cho nhiều người, khơi dậy niềm tin và hy vọng trong cuộc sống.
3 – Bước chân của thầy từ nay sẽ không “lẻ loi”:
– Trên mạng, chúng ta có thể thấy những hình ảnh và video ghi lại cảnh “rất nhiều” Phật tử và người dân đi theo thầy Thích Minh Tuệ, từ người già đến trẻ em, nam thanh nữ tú .v.v… Điều này thật đáng quý trọng!
– Tuy nhiên, việc có quá nhiều người đi theo thầy sẽ gây cản trở giao thông và gây ra những phiền toái không đáng có…
– Chúng ta có nên chăng hãy bảo vệ thầy bằng cách bớt quấy rầy, để cho thầy an nhiên tu tập, bớt tung hô và cũng bớt so sánh. Tốt hơn hết, chúng ta hãy lặng lẽ học ở Thầy những điều tốt đẹp theo cảm nhận của riêng mình.
Qua đây người viết xin chúc Thầy an lạc, lan tỏa những điều tốt đẹp của phật pháp đến với mọi người. Mong thầy vượt qua mọi chướng ngại, chóng thành đạo quả. Hy vọng rằng hạt giống từ bi mãi gieo rắc muôn phương.
Theo: thuvienhoasen và tổng hợp