Sau một thời gian ngắn sử dụng quạt điện, bạn sẽ thấy bụi bám nhiều vào cánh và nan lồng; vì sao quạt điện nhanh bám bụi đến vậy?
Hầu như ai cũng nhận thấy quạt điện rất nhanh bám bụi, đặc biệt là trên cánh quạt, lồng quạt và động cơ phía sau. Đâu là nguyên nhân khiến thiết bị này “hút bụi” mạnh đến vậy? Để trả lời câu hỏi này, cần phân tích các yếu tố vật lý, môi trường và thiết kế khiến quạt điện trở thành một “nam châmhút bụi” trong nhà.
Lý do quạt điện rất nhanh bám bụi
Cơ chế hoạt động tạo dòng khí là tác nhân chính khiến quạt điện rất nhanh bám bụi sau khi sử dụng. Cấu tạo cơ bản của quạt điện gồm động cơ quay và các cánh quạt tạo ra luồng gió. Khi hoạt động, quạt điện hút không khí từ phía sau rồi thổi ra phía trước.
Trong luồng không khí đó luôn tồn tại bụi mịn, tóc, sợi vải, phấn hoa hay các hạt li ti từ môi trường sống. Khi quạt quay liên tục, dòng khí lưu thông không ngừng sẽ cuốn theo các hạt bụi nhỏ và một phần trong số đó bị lực hút tĩnh điện hoặc lực ly tâm làm bám dính vào bề mặt cánh quạt, lồng quạt.
Đặc biệt, bụi không thể thoát ra hết theo luồng gió mà sẽ tích tụ tại các vị trí có lực cản hoặc góc khuất như mép cánh quạt, kẽ lồng, hay các khe tản nhiệt phía sau động cơ. Quá trình này lặp đi lặp lại mỗi ngày khiến bụi ngày càng dày lên.
Tĩnh điện cũng là “thủ phạm thầm lặng” khiến quạt điện rất nhanh bám bụi. Khi quạt quay ở tốc độ cao, ma sát không khí tạo ra một lượng điện tích nhỏ trên bề mặt các vật liệu nhựa hoặc kim loại. Các điện tích này hút các hạt bụi tích điện trái dấu trong không khí, làm bụi dễ dàng bám lại và lưu giữ lâu dài trên cánh hoặc lồng quạt.
Nhiều người thắc mắc vì sao quạt điện rất nhanh bám bụi. (Ảnh: Shuterstock)
Tĩnh điện cũng là lý do khiến bụi rất khó lau sạch chỉ bằng khăn khô – vì nó làm bụi dính chặt vào bề mặt quạt như nam châm hút sắt. Muốn làm sạch hiệu quả, người dùng thường phải dùng khăn ẩm hoặc dung dịch lau chuyên dụng để trung hòa điện tích và gỡ bỏ lớp bụi bám dính.
Mức độ bụi bám vào quạt còn phụ thuộc vào môi trường xung quanh. Tại các khu vực thành phố đông đúc, gần đường lớn hoặc công trình xây dựng, lượng bụi trong không khí cao hơn nhiều so với khu vực nông thôn, vùng núi hoặc nhà ở kín đáo, có máy lọc không khí. Trong nhà, các hoạt động thường nhật như nấu ăn, hút thuốc, nuôi thú cưng, sử dụng quạt thông gió hoặc máy lạnh cũng góp phần phát tán bụi trong không khí.
Đặc biệt, nhà có thảm trải sàn, màn cửa dày hoặc giường đệm bông sẽ sản sinh nhiều sợi vải và bụi vải li ti, tạo điều kiện lý tưởng cho quạt điện “thu gom” chúng khi hoạt động.
Thiết kế quạt cũng góp phần giữ bụi. Cấu trúc của quạt điện với nhiều khe rãnh, góc khuất, các thanh chắn lồng quạt đan xen nhau khiến việc vệ sinh trở nên khó khăn. Chính những vị trí khuất tầm nhìn đó là nơi tích tụ bụi nhiều nhất. Một số mẫu quạt còn có lưới lồng dày, cánh nhám hoặc thiết kế tản nhiệt rối rắm phía sau động cơ, càng làm tăng diện tích và khả năng giữ bụi.
Ngoài ra, các loại quạt giá rẻ sử dụng chất liệu nhựa thô, dễ tích điện và có bề mặt sần sùi cũng khiến bụi bám chắc hơn. Ngược lại, những dòng quạt cao cấp với lớp phủ chống tĩnh điện hoặc thiết kế mặt nhẵn bóng sẽ hạn chế phần nào tình trạng này.
Bao lâu nên vệ sinh quạt điện một lần?
Một trong những lý do phổ biến khiến quạt nhanh bám bụi là do người dùng không vệ sinh thường xuyên. Nhiều gia đình để quạt chạy liên tục trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng mà không tháo ra lau chùi. Việc này không chỉ khiến bụi bẩn dày lên mà còn làm quạt giảm hiệu suất, quay yếu, gây tiếng ồn và thậm chí ảnh hưởng đến tuổi thọ động cơ.
Các chuyên gia khuyên rằng nên vệ sinh quạt mỗi 2–4 tuần trong mùa nóng, đặc biệt là khi quạt đặt trong phòng kín hoặc có nhiều người sinh hoạt.
Tóm lại, việc quạt điện nhanh bám bụi là hệ quả tất yếu của cơ chế hoạt động, hiện tượng tĩnh điện, môi trường ô nhiễm và thói quen sử dụng. Dù không thể tránh hoàn toàn, người dùng có thể giảm tình trạng này bằng cách đặt quạt ở vị trí sạch sẽ, tránh gần sàn nhà, thường xuyên lau chùi và ưu tiên chọn các dòng quạt có thiết kế dễ vệ sinh.
Chiếc quạt sạch không chỉ đảm bảo hiệu năng làm mát tốt mà còn giúp không khí trong nhà trong lành, an toàn hơn cho sức khỏe.
Theo vtcnews.vn