Với cách làm và bảo quản nem này, bạn chỉ cần làm “một mẻ” nem rán cả trăm cái mà vẫn có đồ ăn vàng ươm, giòn rụm.
Nem rán là một món ăn quen thuộc và thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm của người Việt. Đặc biệt trong các bữa cỗ cưới, giỗ hay ngày Tết, nem rán chắc chắn không thể thiếu. Cùng học cách làm nem rán vừa giòn ngon vừa hấp dẫn này nhé.
1. Nguyên liệu làm món nem rán
– Bánh đa nem, bánh ram: 1 tập
– Thịt heo xay: 300 gram
– Củ đậu: ½ củ
– Cà rốt
– Trứng gà: 3 quả
– Hành lá, rau mùi
– Mộc nhĩ, nấm hương
– Ớt, tỏi, quất
– Bột chiên xù: 1 đến 2 thìa
– Gia vị: Mì chính, bột canh, nước mắm
2. Cách làm món nem rán
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Nhặt bỏ lá hỏng, lá úa của hành lá và rau mùi rồi cắt phần gốc. Sau đó mang đi rửa sạch và thái khúc ngắn.
– Ngâm mộc nhĩ, nấm hương với nước cho đến khi nở ra thì rửa lại và băm nhuyễn.
– Gọt vỏ củ đậu, cà rốt, rửa lại với nước sạch và bào sợi.
Bước 2: Trộn nhân nem
– Lấy một chiếc bát lớn, lần lượt thêm vào thịt heo xay, cà rốt, củ đậu bào sợi, hành lá, rau mùi, nấm, mộc nhĩ.
– Tiếp đó, đập thêm 3 quả trứng gà và cho thêm 2 thìa bột chiên xù. Tuỳ vào khẩu vị của bản thân, bạn có thể nêm nếm lại gia vị sao cho phù hợp hoặc cho vào bát 1 thìa cà phê hạt tiêu xay, 1 thìa cà phê bột canh là một chút mì chính.
– Trộn đều cho các nguyên liệu hoà quyện với nhau là được.
Bước 3: Cuốn nem
– Trước khi cuốn nem, bạn có thể phết lên bề mặt bánh đa nem một lớp giấm ăn mỏng để nem sau khi rán vừa vàng ươm vừa giòn rụm.
– Lấy một phần nhân đã chuẩn bị đặt lên bánh đa nem rồi từ từ cuộn lại sao cho đẹp mắt. Nên gấp 2 đầu của bánh đa nem gọn gàng để nem đẹp hơn khi rán.
Bước 4: Rán nem
– Đặt chảo chống dính lên bếp, thêm vào một lượng dầu ăn sao cho ngập chiếc nem là được.
– Sau đó lần lượt cho từng chiếc nem đã gói vào rán vàng. Để nem có thể tròn đẹp thì bạn nên thả nem vào chảo rồi lật liên tục trong khoảng 5 giây để vỏ ngoài tiếp xúc với dầu ăn.
– Để nem chín từ ngoài vào trong, bên trong mềm thơm, bên ngoài vàng giòn đẹp mắt, bạn nên điều chỉnh lửa vừa khi rán. Chờ đến khi nem chín hoàn toàn thì gắp ra đĩa đã lót giấy thấm dầu và thưởng thức.
Bước 5: Pha nước chấm
– Tuỳ vào thói quen và khẩu vị của bản thân, bạn có thể lấy một chiếc bát vừa, sau đó thêm vào 5 thìa nước lọc, 1 thìa nước mắm ngon, 1 chút đường và 1 chút nước cốt quất.
– Dùng dụng cụ nấu ăn khuấy đều tay sao cho các nguyên liệu hoà quyện với nhau rồi cho tỏi, ớt băm vào.
Món nem rán sau khi chế biến xong sẽ có màu sắc và hương thơm vô cùng hấp dẫn. Khi ăn, bjan sẽ cảm nhận được vị giòn béo của lớp vỏ và vị ngọt thơm, thanh mát từ rau củ quả.
3. Lưu ý khi làm món nem rán
– Khi làm nem rán, bạn có thể sử dụng phần thịt nạc vai để chế biến vì chúng có nạc mỡ đan xen nên không bị quá khô hay quá ngấy.
– Thay vì sử dụng miến và khiến nem dễ vỡ hoặc nhanh ỉu, bạn có thể thêm vào một chút bột chiên xù. Nhờ nguyên liệu này mà phần nước trong nem sẽ bị hút hết và giúp duy trì độ ẩm, nem giòn ngon mà không bị ỉu hay khô.
– Trước khi cuốn nem, bạn nên phết một lớp giấm ăn lên bề mặt bánh đa nem để vò vàng và giòn khi rán.
Rán chả lá lốt chỉ cần làm thêm bước này khỏi lo bắn dầu, miếng chả lại xanh bóng, không thâm đen
Muốn chả lá lốt có màu xanh đẹp mắt, bạn đừng bỏ qua bí quyết dưới đây.
Chả lá lốt là món ăn quen thuộc trong các bữa cơm gia đình của người Việt. Chỉ với những nguyên liệu đơn giản như thịt băm, lá lốt là bạn đã có ngay món ăn đậm đà, thơm ngon, có thể dùng cùng cơm nóng hay bún đều phù hợp. Một trong những vấn đề mà các bà nội trợ hay gặp phải khi rán chả lá lốt chính là cuốn chả không giữ được màu xanh đẹp mắt mà bị thâm đen, trông kém ngon.
Vấn đề này có thể được giải quyết chỉ bằng một mẹo nhỏ. Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Trộn nhân
Nguyên liệu chính của nhân chả lá lốt là thịt băm. Bạn nên chọn thịt sấn vai tươi (hoặc các phần thịt khác có lẫn chút mỡ để chả rán lên không bị khô). Băm nhỏ thịt bằng tay hoặc xay bằng máy.
Ngoài ra, để tăng độ kết dính, bạn có thể trộn thêm trứng vào nhân.
Nêm thêm một chút gia vị như hạt nêm, bột ngọt, hạt tiêu, hành lá, hành tím… tùy khẩu vị.
Để món chả lá lốt được thơm ngon, dậy vị, bạn nên băm nhỏ một phần lá lốt và trộn vào nhân.
Gói chả lá lốt
Lá lốt chọn lá bánh tẻ, to đều, dày, màu sậm, lá còn nguyên vẹn, không bị rách. Những lá to sẽ dùng để gói, còn lá nhỏ để trộn cùng nhân.
Sau khi đã rửa sạch lá lốt, bạn đừng đem đi gói chả ngay. Hãy trụng lá lốt qua nước sôi trong vòng vài giây rồi vớt ra ngâm ngay vào bát nước đá. Khi lá nguội hẳn thì vớt ra tráng lại bằng nước sạch và để ra rổ cho ráo nước. Đây là bước giúp lá lốt mềm, dễ gói hơn, không bị rách và cũng giữ được màu xanh mướt khi rán.
Khi gói chả, hãy để mặt lưng của lá lên trên, mặt bóng hơn úp xuống dưới. Cho một thìa nhân thịt vào giữa rồi gấp hai cạnh hai bên lại cho thẳng. Gấp lá xong mới cuộn tròn lại. Cách này giúp chả to đều và đẹp mắt hơn.
Rán chả lá lốt
Cho dầu vào chảo và đun nóng. Sau đó lần lượt xếp chả lá lốt vào rán chín.
Để tránh tính trạng bắn dầu, bạn có thể áp dụng cách rán chả sau. Đầu tiên, hãy lấy một tờ giấy nến lót vào chảo. Sau đó, đổ một ít dầu ăn lên trên. Chờ cho dầu nóng thì xếp từng miếng chả vào rán. Cách này sẽ giúp dầu ăn không bắn ra ngoài trong lúc rán chả, việc vệ sinh chảo cũng dễ dàng hơn. Bạn có thể áp dụng cách này với việc rán cá.
Nếu sử dụng nồi chiên không dầu, bạn hãy lót một lớp giấy nến vào lòng nồi hoặc quét một lớp dầu mỏng để chống dính. Sau đó, xếp chả lá lốt lên trên, có thể phết thêm một lớp dầu mỏng vào từng cuốn chả để khi rán chả không bị khô. Để mức nhiệt 160 độ C trong 10 phút. Hết thời gian, hãy lật các miếng chả lại. Chiên lần 2 ở 160 độ trong vòng 8 phút là được.
Chả lá lốt đã rán chín thì gắp ra đĩa và dùng khi còn nóng.