Mắc ung thư miệng vì thói quen ăn trầu để tỉnh táo khi lái xe
Minh Nhật
Thứ năm, 15/10/2020 – 21:00
(Dân trí) – Quan sát khoang miệng thấy những vết, mảng hơi đỏ hoặc trắng ở niêm mạc miệng, chảy máu ở khoang miệng, há miệng bị hạn chế… có thể là dấu hiệu của ung thư khoang miệng.
Ung thư miệng vì ăn trầu
Ông Lý, 50 tuổi, là một tài xế ở Đài Loan (Trung Quốc), suốt 20 năm nay cũng giống như các đồng nghiệp của mình, ông có thói quen nhai trầu từ khi mới vào nghề, để giữ tinh thần luôn trong trạng thái tỉnh táo.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông Lý bất ngờ phát hiện miệng của mình bị loét. Đáng ngại hơn, sau khi bôi các loại thuốc chống viêm loét nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện.
Đến bệnh viện để thăm khám, ông Lý nhận tin dữ u ác tính ở miệng. Vì khối u chưa di căn nên việc điều trị mang lại hiệu quả đáng kể. Ông Lý được điều trị bằng cách phẫu thuật kết hợp cùng xạ trị để ngăn ung thư tái phát.
Sau đợt điều trị, mặc dù có thể trở lại cuộc sống bình thường nhưng ngoại hình của ông đã bị thay đổi, khó phát âm, nuốt kém.
Theo BS Chen Hongjin, người điều trị cho ông Lý, Bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc ung thư miệng vì thói quen ăn trầu nhiều năm liền.
“Trầu cau có chứa những hoạt chất có tác dụng gây hưng phấn cho thần kinh trung ương, nên được coi là một biện pháp để giải tỏa stress. Tuy nhiên, từ năm 2003, Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã xếp trầu cau vào nhóm chất có khả năng gây ung thư cấp độ I. Thống kê cũng chỉ ra rằng, 90% bệnh nhân ung thư miệng ở Đài Loan có thói quen nhai trầu”, BS Chen Hongjin cho hay.
Phân tích đã chỉ ra rằng, trong lá trầu có chứa arecoline là chất gây ung thư. Bên cạnh đó, các chất xơ thô ráp của cau sẽ cọ xát làm tổn thương niêm mạc miệng. Theo thời gian có thể dẫn đến u ác tính ở miệng. Vôi trong món ăn này càng thúc đẩy nhanh quá trình ung thư hóa của tế bào.
Một người có đồng thời 3 thói quen là ăn trầu, hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia thì khả năng mắc ung thư miệng sẽ cao gấp 123 lần người bình thường.
Ung thư miệng khó phát hiện sớm
Ung thư miệng là bệnh ác tính có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng như lợi, lưỡi, môi, má, vòm việng, sàn miệng. Do triệu chứng bệnh khá giống với các bệnh lý viêm nhiễm tại miệng, nên người bệnh thường đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, do đó việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém mà hiệu quả không cao.
Để có thể phát hiện sớm bệnh, mỗi người nên quan sát khoang miệng qua soi sương mỗi khi đánh răng hằng ngày. Khi thấy những vết, mảng hơi đỏ hoặc trắng ở niêm mạc miệng, vết thương ở khoang miệng khó liền, chảy máu ở khoang miệng, vết loét hoặc những nốt sùi, há miệng bị hạn chế, sờ thấy u cục bất thường ở vùng đầu cổ cần đến bác sĩ chuyên khoa khám.
GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) khuyên nên khám kiểm tra ung thư miệng 3 năm 1 lần đối với người trên 20 tuổi và hàng năm đối với những người trên 40 tuổi, đặc biệt những người hút thuốc lá, thuốc lào.
Có 3 biện pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Với các ung thư miệng đến sớm, việc điều trị có thể tiến hành bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u.