Người xưa có câu: “Cho vay gạo không cho vay củi, cho mượn áo chứ không cho mượn giày”.
Cho vay gạo không cho vay củi
Người xưa có câu: “Cho vay gạo không cho vay củi, cho mượn áo chứ không cho mượn giày”.
Nghĩa đen của câu này được hiểu là: Nếu ai đó sang vay mượn gạo thì bạn có thể cho mượn, nhưng nếu họ muốn vay củi thì không nên. Họ cần mượn áo thì cũng có thể cho mượn nhưng nếu là giày thì cũng không nên.
Trước đây, việc có gạo, có cơm đầy đủ không phải là việc dễ dàng nên hàng xóm, người thân giúp nhau là điều dễ hiểu. Giúp nhau lúc hoạn nạn thì chẳng ai có thể từ chối cả. Thế nhưng củi là thứ dễ kiếm nhất lúc này, củi ở khắp nơi, ai cũng có thể tự mình đi tìm được, vậy mà một người hết mượn gạo lại đi mượn thêm cả củi, không tự lực đi, không muốn nỗ lực dù là một chút nghĩa là người không biết chừng mực.
Thêm nữa, việc vay mượn còn phản ánh việc duy trì mối quan hệ giữa người và người, nếu cho mượn áo nguy cơ hỏng ít hơn nên có thể cho mượn, nhưng giày mỗi người có cỡ chân khác nhau, đi đôi ba lần là mòn, nếu cho người ta mượn đi bẩn giày, rách giày rồi thì trả lại khiến cả hai đều cảm thấy gượng gạo, không vui.
Điều này có nghĩa là dù mượn cũng phải biết lễ nghĩa, biết vừa đủ, đừng được nước mà lấn tới khiến người cho mượn cũng không thấy vui, nhất là củi là thứ khó định lượng để mà trả lại cho đúng. Người đến củi mà cũng không tự kiếm được thì chứng tỏ là người lười nhác, việc mượn này cho thấy họ đang cố ý lợi dụng lòng tốt của người khác mà thôi.
Thế nên, người xưa rút ra kinh nghiệm bằng câu nói trên hàm nghĩa rằng, chỉ nên chọn cứu người nghèo chứ không bao giờ cứu người lười nhác. Dù muốn sống tốt với mọi người nhưng để thể hiện lòng lương thiện đúng cách không phải cứ nghĩ rằng việc đó tốt là làm mà đòi hỏi cả hiểu biết và trí tuệ của mình để cân nhắc.
Không “cho mượn củi” ở đây còn là cách khuyến khích người đi vay mượn phải biết lao động làm vui, cũng phải biết đi “tìm củi” chứ không phải cứ sẵn là đi xin, không biết ngại ngùng, cũng không chịu làm lụng.
Trong khi đó chỉ có lao động mới có trí tuệ, từ đó mới phát huy năng lực để kiếm tiền mua gạo, đồ ăn, thoát nghèo được. Ngược lại với người lười không chịu vận động thì chẳng ai có thể luôn sẵn sàng cung cấp lương thực cho họ từ lần này tới lần khác cả và họ mãi quanh quẩn trong sự nghèo hèn của mình. Cuối cùng thì ai cũng phải tự lo cho cuộc đời của mình, chẳng ai giúp họ ngoài chính họ cả.
Trao lòng tốt đúng cách, đúng người
Ngày nay, chuyện mượn gạo ít khi xảy ra nhưng việc cần sự giúp đỡ của ai đó thì luôn hiện hữu, thời nào cũng có. Nhưng cách thức kêu gọi sự hỗ trợ hiện nay lại dễ dàng hơn nhiều, đơn giản là chỉ cần soạn vài dòng gây cảm động để đăng lên mạng xã hội là đã có rất nhiều mạnh thường quân ngay lập tức chuyển tiền vào tài khoản để giúp đỡ họ, không cần biết tính xác thực đến đâu. Vậy nên mới có trường hợp nhiều người lợi dụng lòng tốt của người khác để kiếm tiền.
Thế nên mới có chuyện có gia đình được tặng cho con trâu để làm nông thì họ ăn mừng bằng việc mổ trâu ra thịt nên cuối cùng chẳng có công cụ để kiếm tiền nữa. Đó là thói quen thích thỏa mãn nhu cầu tức thời mà không chịu suy nghĩ cho tương lai của người có “tư duy nghèo”.
Nhìn chung, những ai muốn kiếm tiền bằng lòng tốt của người khác, không chịu lao động, không quý đồng tiền như sức lao động của mình thì sẽ chẳng bao giờ thoát được cái nghèo của mình cả.
Vì thế, nếu chúng ta muốn giúp đỡ ai đó, cũng phải làm đúng cách, đúng người vì còn thông qua đó để giáo dục, hướng dẫn họ đi đúng hướng chứ không đơn giản là giúp tức thời ở thời điểm hiện tại.
Sẽ thật tốt khi việc cho – nhận đều cùng hướng về những lợi ích chung tốt đẹp, nhưng cũng thật tệ nếu một người chỉ nhân danh ấy, làm biến tướng ý niệm tốt đẹp này để rồi vụ lợi khiến người đi cho cũng cảm thấy ngại ngùng, hoang mang.
Mới đây, khi dịch bệnh lan rộng, đẩy nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Không ít người kêu nghèo kể khổ để nhận được tiền ủng hộ, hoặc thực phẩm như gạo, mỳ tôm, rau củ,… Việc giúp đỡ họ là việc cần làm ngay và luôn nên mọi người không có thời gian mà xem xét hết từng hoàn cảnh cụ thể.
Thế nhưng vì nhận ra sự sơ hở này, đã có không ít kẻ lợi dụng lòng tốt để xin tiền, thậm chí họ không khó khăn gì cũng tìm cách gom thật nhiều đồ về chất trong nhà để ăn dần.
Hay có người mới nhận được 3 triệu từ mạnh thường quân xong lại lên xin tiếp vì chừng đó chỉ mới đủ mua ít đồ ăn và gửi tiền về cho mẹ… Hoặc có anh thanh niên nọ nhờ mọi người giúp chỗ ở trong thời kỳ dịch bệnh nhưng cứ hễ có người giúp, ở vài hôm thì trộm hết đồ của chủ nhà đi, rồi lại tiếp tục hỏi xin sự hỗ trợ của người cả tin và thực hiện âm mưu trộm cắp của mình…
Mọi người có thể vô tư giúp đỡ nhưng khi nhìn thấy cảnh này chẳng ai có thể để yên cả, cuối cùng người cần được giúp thì không có đồ ăn, thức uống, trong khi có người thừa thãi. Thế mới thấy trao lòng tốt đúng cách, đúng người không phải là điều dễ dàng gì.
Thậm chí là anh em trong nhà, nếu bạn giúp họ hết lần này tới lần khác, theo thời gian họ xem như việc này là chuyện đương nhiên, không những không mang ơn mà còn đòi hỏi.
Chính sự dễ dãi của bạn từ lâu đã gi.ết ch.ết nỗ lực trong họ, nhiều năm bạn cho họ tiền bạc, đảm bảo cuộc sống người thân nên họ dần lười lao động, không chịu làm ăn, bị phụ thuộc, không có tiền bạn gửi về họ mất phương hướng trong cuộc sống. Vì thế, ngay cả việc giúp người nhà bạn cũng phải cân nhắc. Nếu không, bạn đã vô tình “biến” họ thành người xấu bằng sự nhiệt tình, thiếu hiểu biết của bạn.
Vì thế, theo lời dạy của người xưa “Cho vay gạo không cho vay củi” còn là để nhắc nhở bạn trước khi cho ai vay mượn, giúp đỡ hãy xét xem liệu họ có xứng đáng được nhận sự giúp đỡ đó hay không. Vì lòng tốt của bạn chỉ phát huy tác dụng thực sự khi đúng người mà thôi.
Ngoài ra người xưa dặn:
Anh em thân thiết, sổ sách rõ ràng
Hãy nhớ rằng: Giữa người thân thì điều không thể thiếu nợ chính là nợ kinh tế. Thân thiết như anh em ruột thịt cũng phải nợ nần sổ sách tính toán rõ ràng.
Chỉ có nợ nần sổ sách tính toán minh bạch rõ ràng thì mới có thể hóa giải mâu thuẫn kinh tế, hóa giải mối quan hệ giữa các thành viên, thúc đẩy hợp tác lâu dài.
Đại phú do mệnh, tiểu phú do cần
Có thể trở thành đại phú đại quý hay không là do Thượng Thiên chú định. Một người có thể khá giả hay không là dựa vào nỗ lực cá nhân, cần kiệm mà thành.
Trong mệnh có cái đó thì cuối cùng cũng sẽ có, trong mệnh không có cái đó thì chớ cưỡng cầu. Sống thiết thực, thanh bạch, cứ làm tốt việc của mình là đủ rồi. Cái gì đáng có sẽ có, cái gì nên đến sẽ đến.
Gạo củi vợ chồng, rượu thịt bạn bè, hộp quà thân thích
Có thể nói, quan hệ càng thân mật thì sẽ càng chất phác, chân thực hơn. Giữa vợ chồng là củi gạo mắm muối, giữa bạn bè là ăn uống rượu chè, giữa họ hàng là quà cáp bánh trái.
Nhân từ không nắm binh quyền, nghĩa khí không nắm tiền tài
Người nhân từ mềm lòng không thể dẫn dắt quân đội. Người nghĩa khí không thể nắm giữ quản lý tiền của tài sản.
Chiến trường liên quan đến sống ch.ết, thời khắc then chốt không thể có cái nhân từ mềm yếu của phụ nữ, nếu không sẽ thua thảm hại, mất đi sinh mệnh của bao nhiêu người.
Người trung nghĩa trên đời thường nhiều bằng hữu, họ là người trọng nghĩa khinh tài, do đó người nghĩa khí không được nắm giữ tiền của tài sản, vì sẽ không giữ được.
Đánh người không đánh vào mặt, mắng người không vạch khuyết điểm
Không được chọc vào nỗi đau của người khác nếu phát sinh mâu thuẫn với người khác. Chúng ta sẽ cảm thấy hả dạ nhất thời nhưng sẽ để lại mối họa hoạn khôn cùng.
Bởi vậy cần kiểm soát được tâm trạng thì mới có hòa khí sinh tài.
Thà phá 10 tòa thành còn hơn hủy hoại hôn nhân một nhà
Phá hủy hôn nhân người khác là sự việc tệ hại khủng khiếp. Hủy hôn nhân một nhà là hủy đi hạnh phúc của cả 3 đời. Cha mẹ thương tâm, vợ chồng ly tán, con cái ràng buộc, những sai lầm trong đó không thể nào bù đắp nổi.
Cháu con tự có phúc phận riêng, chớ làm trâu ngựa cho cháu con
Có rất nhiều cha mẹ quần quật làm việc để tích trữ gia tài cho con cái. Bởi, họ lo con cái không biết nấu ăn, không có công việc tốt, không có người yêu tốt.
Thế nhưng, con cháu đời sau có phúc khí riêng của con cháu, chúng cần phải chịu trách nhiệm với cuộc sống của chúng. Làm cha mẹ cũng không nên làm trâu ngựa cho cháu con, quá lo nghĩ gắng sức vì chúng.
Bởi vậy, lo nghĩ chu toàn cho con cháu quá khiến chúng mặc nhiên hưởng thụ, sẽ tự tiêu hao phúc phận của chúng. Thế nên người xưa nói: “Thương quá hóa hại con” chính là đạo lý này.