Nếu để ý, bạn sẽ thấy rất nhiều ngôi làng làm giàu từ việc buôn đồng nát, cuộc sống thay đổi từ khó khăn, lo ăn từng bữa sang ở biệt thự tiền tỷ.
Nhắc tới gom ve chai, buôn đồng nát, nhiều người sẽ nhớ tới hình ảnh của những người dân lao động vất vả, cặm cùi đạp xe (hoặc xịn hơn là đi xe máy) rong ruổi khắp các con đường, ngóc ngách của làng xóm, phố phường để thu gom, mua lại những món đồ người ta bỏ đi như giấy, báo cũ, nhựa củ, đồng nhôm, sắt vụn… Tuy nhiên, cũng chính từ nghề đồng nát này mà không ít người đổi đời, trở thành đại gia.
Có thể nói, đây là một công việc hết sức vất vả, phải dầm mưa dãi nắng, thu gom từng chút phế liệu, một ngày có thể chỉ kiếm được vài chục nghìn nên nhiều người chẳng nghĩ đến chuyện làm giàu từ nó. Dù vậy, sự miệt mài, chăm chỉ không ngừng nghỉ cũng mang lại cho nhiều người cơ hội đổi đời.
Công việc buôn bán đồng nát, buôn bán phế liệu tuy vất vả nhưng lại mang đến cơ hội đổi đời cho nhiều người. (Ảnh minh họa)
Theo kinh nghiệm của một người làm nghề buôn bán phế liệu ở Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết, để buôn đồng nát nhanh giàu thì không thể phụ thuộc vào những món đồ như chai nhựa, lon bia… mà mọi người vẫn thấy. Người ta sẽ buôn những lô hàng lớn bao gồm các loại máy móc công nghiệp, tàu hỏa, máy bay, cáp điện… Ví dụ, với mặt hàng cáp điện, nếu mua phế liệu thì chỉ có giá vài nghìn một kilogram, nếu mua đấu giá thì có thể có giá rẻ hơn. Sau khi đem về chế biến, lọc ra, người ta có thể bán lại với giá vài chục ngàn/kg với đồng, nhôm; vỏ nhựa cúng bán được giá chục ngàn/kg. Nếu “trúng quả”, người mua có thể mua được những cuộn cáp mới chưa dùng hoặc máy móc còn chạy được, các loại linh kiện, phụ tùng máy móc. Khi đó, chủ phế liệu sẽ sửa chữa những món đồ này để bán với giá hàng tiêu dùng, cao hơn nhiều so với giá nguyên liệu, có thể nói là “một vốn bốn lời”.
Sau khi đã thu được một khoản tiền kha khá trong tay, nhiều người bắt đầu làm ăn với quy mô lớn hơn, mở rộng các mối quan hệ, thậm chí còn buôn bán “xuyên quốc gia”. Chủ vựa phế liệu có thể sang các nước bạn như Lào, Campuchia… để thu mua về liệu mang về sơ chế, biến chúng thành nguyên liệu có thể bán đi với giá cao hơn.
Chẳng hạn như các phế liệu có thể được mua từ Lào sau đó chuyển về Việt Nam để phân loại, sơ chế. Sản phẩm thu được lại được đưa về thị trường Lào nhưng bán ra với giá cao hơn, tạo ra nguồn thu nhập cao, ổn định cho những người làm nghề “buôn đồng nát”.
Khi có tiền dư dả, người dân bắt đầu sắm xe ô tô làm phương tiện đi lại, phục vụ kinh doanh. Ngoài ra, họ cũng có thể xây nhà của khang trang hơn, xây biệt thự. Các biệt thự đua nhau mọc lên san sát ở các vùng quê, biến những khu vực này thành “các làng tỷ phú đồng nát”.
Không ít người có thể làm giàu, thậm chí trở thành đại gia từ nghề buôn phế liệu, buôn đồng nát. (Ảnh minh họa)
Để kiếm tiền và trở thành tỷ phú từ nghề đồng nát là chuyện không hề dễ dàng. Nếu không đủ kiên trì, không chịu khó sớm hôm thì không thể thành công. Người ra, người làm công việc này cũng phải nhanh nhạy, thông thạo trong việc tìm các mặt hàng, lo đầu ra tiêu thụ.
Bên cạnh đó, nghề thu mua đồng nát cũng có những mặt trái. Mặc dù mang lại nguồn thu nhập tốt cho nhiều người nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một là nguy cơ cháy nổ từ các bãi thu gom phế liệu. Hai là vấn đồ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe. Những người làm nghề thu gom phế liệu hiểu rõ những vấn đề này nhưng vì mưu sinh, vì lo cho cuộc sống gia đình nên chấp nhận bám trụ với nghề.