Khi đang chạy, vận động viên thấy có bất thường về sức khỏe rồi ngất xỉu, sau đó dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng đã t.ử v.o.ng.
Cuối tuần vừa qua, tại tỉnh Hòa Bình đã diễn ra giải siêu chạy Marathon Việt Nam 2024 thu hút rất đông vận động viên tham gia. Tuy nhiên, sự cố xảy ra khi một vận động viện đang chạy bỗng xuất hiện dấu hiệu sức khỏe bất ổn, sau đó ngất xỉu. “Dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng vận động viên đã không qua khỏi và từ trần tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình vào sáng sớm Chủ nhật, ngày 24/3/2024”, theo thông báo từ Ban tổ chức giải chạy.
Thực tế đây không phải lần đầu tiên có trường hợp vận động viên t.ử v.o.ng khi tham gia các giải chạy. Trước đó tại Hà Nội cũng đã có vài trường hợp t.ử v.o.ng hoặc nhập viện trong tình trạng nguy kịch khi chạy marathon.
Đã có không ít trường hợp đ.ột t.ử khi đang tham gia các giải chạy trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa.
Ths.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cho biết, các trường hợp t.ử v.o.ng trên đường chạy nói riêng và chơi thể thao nói chung đa số liên quan đến các vấn đề về tim mạch. Theo đó, có khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao, tham gia các giải chạy có bệnh lý tim mạch từ trước nhưng không phát hiện, hoặc chủ quan nghĩ là nhẹ nên khi vận động gắng sức dẫn đến t.ử v.o.ng.
Phân tích về nguyên nhân, bác sĩ Mạnh cho rằng, khi chạy nhịp tim thay đổi, đập nhanh hơn vì thế nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến huyết áp, nhịp tim tăng nhanh, từ đó xuất hiện các cơn thiếu máu lên não. Khi đó, có trường hợp gặp tình trạng choáng váng, sau vài phút sẽ trở lại bình thường nhưng họ không hề biết đó chính là dấu hiệu dự báo cơn đột quỵ sắp xảy ra.
Theo bác sĩ Mạnh, những người bị ngừng tim khi gắng sức thường gặp các hội chứng như Brugada, hội chứng WPW, bệnh cơ tim phì đại… Đáng nói, các hội chứng này không có yếu tố khởi phát, mà bất ngờ xuất hiện gây rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh (bình thường tim đập 70-80 lần/phút nhưng khi rối loạn, nhịp tim tăng lên 300-400 lần/phút) gây ngất xỉu và có thể ngừng tim ngay sau đó. Ngoài ra, những người chạy bộ hay hoạt động gắng sức còn có thể gây hẹp, tắc nghẽn động mạch vành, rách động mạch cũng rất nguy hiểm, có thể dẫn tới t.ử v.o.ng.
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh cho biết, nguy cơ dẫn tới các ca đột quỵ khi hoạt động gắng sức thường liên quan tới vấn đề về tim mạch.
Ths.BS Đỗ Quốc Phong – Phó khoa Hồi sức tích cực và Chống độc nội khoa (Bệnh viện E) cũng cảnh báo, ngoài vấn đề tim mạch, hoạt động gắng sức còn đối mặt với nhiều nguy cơ khác, trong đó có thể gây mất chức năng thận. Theo đó, khi hoạt động gắng sức, các cơ phải hoạt động quá nhiều, thiếu khối lượng tuần hoàn sẽ dẫn tới không đủ cung cấp oxy và máu tới các vùng cơ. Điều này sẽ gây ra hiện tượng tổn hại, ch.ế.t tế bào cơ. Quá trình tế bào cơ bị phân huỷ sẽ tạo ra các chất trung gian lắng đọng tại thận và khi thận không thể đào kịp sẽ gây ra suy thận cấp.
“Tất cả mọi người đều có thể gặp hiện tượng tiêu cơ vân, suy thận cấp nếu hoạt động gắng sức với cường độ cao. Vì thế, khi vận động thể thao, lao động dùng nhiều thể lực có hiện tượng đau mỏi cơ, mệt nhiều, tụt huyết áp thì cần đến viện ngay để được thăm khám”, bác sĩ Phong khuyên.
Ngoài ra với các trường hợp chạy đường dài, vận động viên có thể đối mặt với các tình trạng nguy hiểm khác như hạ đường huyết do mất năng lượng quá nhiều không được bù kịp. Đặc biệt việc thiếu đường cung cấp cho não và tim có thể dẫn tới tình trạng choáng và nặng nề hơn là đột quỵ não.
Hoặc cũng có thể gây nên tình trạng co mạch dẫn tới co thắt mạch não, từ đó gây tăng huyết áp có thể dẫn đến đột quỵ não. Hay co thắt mạch vành tim dẫn tới thiếu máu cơ tim gây nhồi máu cơ tim…
Để đảm bảo an toàn khi chạy marathon nói riêng và hoạt động thể thao nói chung, mọi người cần khám sức khỏe kỹ lưỡng trước khi tham gia, nhất là sức khỏe tim mạch. Khi tham gia cần khởi động kỹ lưỡng, đồng thời quá trình hoạt động có vấn đề bất thường thì cần dừng lại và báo cho lực lượng y tế.
Theo Tạp Chí Phụ Nữ