Tuy là món ăn quen thuộc, dân dã thế đấy nhưng không phải ai cũng biết cách rán trứng ngon.
Món trứng rán là món ăn phổ biến của mọi gia đình. Đặc biệt với trẻ con, trứng rán luôn là món khoái khẩu nhất bởi món này khá mềm và lại dễ ăn.
Chỉ cần 2-3 quả trứng và chút gia vị, trong khoảng 5 phút chúng ta đã có món ăn ngon miệng, có thể ăn cùng bánh mì, cơm trắng hay xôi đều hợp vô cùng.
Tuy là món ăn quen thuộc, dân dã thế đấy nhưng không phải ai cũng biết cách rán trứng ngon đâu nhé. Đặc biệt, làm thế nào để món trứng rán được xốp thì rất ít người biết cách.
Rán trứng chỉ cần thêm một thìa này, trứng nở phồng, xốp mịn, 2 quả mà nhiều như 4 quả:
Bơ
Muốn tăng hương vị và kích thước cho món trứng rán bạn có thể bỏ thêm vào một miếng bơ nhỏ rồi đánh thật kỹ. Khi bơ tan chảy trong hỗn hợp trứng nó sẽ tạo ra một “lớp đệm” giữa các protein. Điều này giúp món trứng thơm ngon, mềm mịn hơn rất nhiều bởi các protein trứng không thể bám chặt vào nhau.
Nước cốt chanh
Cho thêm vào hỗn hợp 2-3 giọt nước cốt chanh trước khi đánh trứng cũng là mẹo hay ít người biết. Nước cốt chanh sẽ giúp trứng sau khi rán xốp mềm, có mùi thơm đặc trưng và màu vàng đẹp mắt.
Nước
Trước khi rán bạn chỉ cần thêm 1-2 thìa nước vào hỗn hợp 2 quả trứng đánh kỹ là có thể tạo ra thành phẩm với sự khác biệt rõ rệt.
Việc bổ sung nước giúp các phân tử trong trứng giãn nở nhiều hơn, kết quả là bạn sẽ có được món trứng xốp mềm, nở với kích thước lớn hơn so với cách rán thông thường. Nhiều người lo ngại việc cho nước sẽ làm loãng trứng nhưng thực tế phần lớn lượng nước này sẽ bốc hơi trong khi chiên rán.
Bột nở
Cho thêm 1/4 thìa bột nở vào 2 quả trứng đánh kỹ rồi khuấy đều cũng là một trong những bí quyết giúp món trứng được mềm xốp, có thể nở gấp đôi so với trứng rán bình thường. Lưu ý, bạn nên để dầu nóng già mới đổ trứng vào rán và giữ nguyên lửa lớn để trứng nở to.
Người khỏe mạnh 1 tuần nên ăn mấy quả trứng?
Lý do khiến chúng ta phải bận tâm đến vấn đề “ 1 tuần nên ăn mấy quả trứng?” hay “Có nên ăn nhiều trứng không?” là vì trứng chứa nhiều cholesterol, chế độ ăn nhiều trứng có thể làm tăng nguy cơ mắc hoặc làm trầm trọng hơn các vấn đề về tim mạch. Cũng vì vậy mà những năm trước đây, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị rằng mọi người không nên ăn quá 1-2 quả trứng/tuần. Nguyên nhân là vì một quả trứng lớn chứa khoảng 186 miligam cholesterol, trong khi lượng cholesterol được khuyến nghị hàng ngày là 300 miligam cho người lớn.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng, nghiên cứu gần đây đã cho thấy cholesterol trong trứng dường như không ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể so với các nguồn cholesterol khác, chẳng hạn như thịt xông khói, phô mai và bơ. Không những thế, một số nghiên cứu cũng cho thấy cholesterol trong chế độ ăn uống ít ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol LDL (cholesterol xấu) trong cơ thể.
Mặc dù vậy, vẫn có một số lưu ý được đặt ra về số lượng trứng tối đa mà một người khỏe mạnh có thể ăn trong một tuần. Vậy, người khỏe mạnh 1 tuần nên ăn mấy quả trứng?
Trong khi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ hiện không đặt ra giới hạn nào cho những người khỏe mạnh về số lượng trứng có thể ăn mỗi ngày, thì các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, hầu hết mọi người khỏe mạnh có thể ăn tới 7 quả trứng mỗi tuần mà không ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Về điều này, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng cho biết, câu trả lời cho vấn đề “Một ngày nên ăn mấy quả trứng?” là những người khỏe mạnh có thể bổ sung tối đa 1 quả trứng/ngày trong chế độ ăn uống lành mạnh cho tim. Nghiên cứu cũng cho thấy, ăn 1 quả trứng/ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, với điều kiện tuân thủ theo một chế độ ăn uống cân bằng.
Ngoài ra, để trả lời câu hỏi “người khỏe mạnh 1 tuần nên ăn mấy quả trứng?”, bạn cũng cần xem xét số lượng trứng nên ăn trong ngày với những thực phẩm kết hợp khác. Việc ăn quá nhiều trứng và những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol cùng một lúc có thể khiến bạn phải cân nhắc lại số lượng trứng nên ăn trong một ngày hay một tuần. Bạn cũng có thể cân nhắc đến việc chỉ ăn lòng trắng trứng mà không ăn lòng đỏ với mục đích chỉ bổ sung protein cho cơ thể mà không dung nạp thêm cholesterol.